Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại. Việc làm này cũng góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Để việc phân loại rác nguồn được thực thi nghiêm ngặt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Sẽ áp dụng chế tài nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

Theo nghị định này, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.

Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước; vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường… Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

Việc xử phạt này bắt đầu từ ngày 1/1/2025.

Từ 1/1/2025, phân loại rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc

Làm gì để không bị phạt?

Luật BVMT 2020 đã quy định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Đối với thu gom, vận chuyển CTRSH, Khoản 3 Điều 77 Luật BVMT năm 2020 nhấn mạnh, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 – 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.

Nguồn: www.monre.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *